Những điểm mới của luật doanh nghiệp 2020
Luật Doanh nghiệp năm 2020 được ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 được coi là có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn gia nhập thị trường nói riêng và trong quá trình đầu tư, kinh doanh nói chung. Theo đó, Công ty Đại Việt xin tổng hợp một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Có sự thay đổi trong trình tự, thủ tục đăng kí doanh nghiệp (Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020)
Bổ sung bản sao giấy tờ pháp lý đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần
So với Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 lại yêu cầu hồ sơ đăng kí công ty TNHH, công ty cổ phần phải có bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật (quy định tại Điều 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020).
Thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp
Đã loại bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp
Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng
Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định dấu của doanh nghiệp như sau:
• Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
• Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
• Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
• Như vậy Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014 đã loại bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
Thêm đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2020 trong quy định tại khoản 2 Điều 17 đã có bổ sung các đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp như sau:
• Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước);
• Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
• Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bổ sung quy định công bố thông tin đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên
Theo quy định tại Điều 73 Luật Doanh nghiệp 2020: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này thực hiện công bố thông tin theo quy định tại các điểm a, c, đ, g khoản 1 Điều 109 và Điều 110 của Luật này”.
Bỏ Kiểm soát viên ở công ty TNHH một thành viên
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải tiến hành thành lập Ban kiểm soát
Theo khoản 2 Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định”.
Việc thành lập Ban Kiểm soát của công ty TNHH được Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tại Điều 65.
Sửa đổi quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt
So với Luật Doanh nghiệp 2014 thì việc xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt được sửa đổi, bổ sung như sau:
• Trường hợp thành viên bị hạn chế năng lực hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện. Còn theo quy định Luật Doanh nghiệp 2014 thì được thực hiện thông qua người giám hộ.
• Với các trường hợp thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác thì người được tặng cho trở thành thành viên công ty theo quy định sau đây:
• Người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người này đương nhiên là thành viên công ty; Theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì là vợ, chồng, cha, mẹ, con, người có quan hệ họ hàng đến hàng thừa kế thứ ba…
• Người được tặng cho không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 6 Điều 53 thì người này chỉ trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận
• Bổ sung thêm các trương hợp như:
• Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.
• Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.
Khái niệm về doanh nghiệp nhà nước thay đổi
Doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban kiểm soát, Kiểm soát viên
Theo quy định tại Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp nhà nước phải lập Ban kiểm soát, Kiểm soát viên căn cứ theo quy mô công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Ban kiểm soát của các doanh nghiệp nhà nước sẽ có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
Còn theo Điều 102 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp nhà nước căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 Kiểm soát viên.
Bổ sung áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định tài Điều 89 Luật Doanh nghiệp 2020 thì với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định tại Chương III và các quy định khác có liên quan của Luật này; trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật này thì áp dụng quy định tại Chương III. Và các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo các quy định tại Mục 1 Chương III hoặc công ty cổ phần theo các quy định tại Chương V của Luật này.
Bổ sung thêm quy định về chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết
Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung thêm về chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết tại khoản 6, 7 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 với nội dung sau:
• Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết;
• Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần
Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần như sau:
Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.
Bổ sung thêm nghĩa vụ cổ đông
Kế thừa từ nghĩa vụ cổ đông được quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 tại Điều 119 đã bổ sung thêm nội dung sau:
“Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác”.
Sửa quyền của cổ đông phổ thông
Theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền của cổ đông phổ thông.
Tuy nhiên theo quy định mới tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông.
Bổ sung thêm thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm về thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt với nội dung cụ thể như sau:
“Điều 193. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
• Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
• Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
• Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
• Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
• Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác”.
Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
Theo quy định tại Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 thì DNTN có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
• Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
• Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
• Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
• Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì chỉ quy định trường hợp chuyển đổi DNTN thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
Bổ sung thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
Khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh như sau:
Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây:
• Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;
• Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
• Bị khai trừ khỏi công ty;
• Chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;
• Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
So với Luật Doanh nghiệp 2014 thì đã thêm trường hợp “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” và “chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật”.
Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh
Khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Tuy nhiên, khi Luật Doanh nghiệp 2020 được sủa đổi đã rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh xuống chỉ còn 3 ngày. Cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 206 như sau: “Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo”.
Quy định loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì: Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Như theo Luật Doanh nghiệp 2014 khi nói về trường hợp doanh nghiệp bị giải thể chỉ nhắc đến vấn đề doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh chứ không hề nhắc đến các quy định có trong Luật Quản lý thuế. Sự thay đổi có trong Luật Doanh nghiệp 2020 đã đảm bảo được tính đồng bộ với Luật Quản lý thuế.